PGS,TS. Hồ Khang |
* XưaNay: Tại sao Đại tá lại
chọn nghiên cứu mảng đề tài chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh thời kỳ hiện
đại?
* PGS.TS Hồ Khang:
Tôi vốn học từ Khoa Sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ra
trường, tôi công tác tại Ủy Ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Rồi tôi nhập ngũ, sau đó lại về công tác
tại Viện Lịch sử Quân Sự Việt Nam. Hơn 30 năm công tác tại Viện, có lẽ việc lựa
chọn mảng để tài chiến tranh Việt Nam hiện đại cũng là một điều tất nhiên.
Nhưng tôi cũng có lý do cá nhân cho sự lựa chọn ấy.
Tôi thường suy nghĩ về việc nghiên cứu lịch sử, hãy nói
một chút về việc nghiên cứu lịch sử. Nghiên cứu lịch sử là nhằm tới việc đưa ra
những tri thức lịch sử, giúp chúng ta giải mã chính mình và giải quyết những
vấn đề đang đặt ra đối với chủ thể của lịch sử ấy. Trên ý nghĩa đó, nghiên cứu
lịch sử cũng chính là cuộc đối thoại bất tận giữa hiện tại với quá khứ. Tôi cho
rằng, tri thức lịch sử phải là sự nối kết cái
đương thời với cái đã qua như
thế. Trên hết, cuộc đối thoại đó xảy ra vì
tương lai, vì những gì mà chủ thể của lịch sử - dù là con người, giai cấp, các cộng đoàn
tôn giáo chính trị hay dân tộc, nhân loại,… sẽ còn phải đi đến, đối mặt và trở
thành. Vì chúng ta đã không còn ngạc nhiên rằng, người nào thiếu hiểu biết về
lịch sử, người đó rất có thể sẽ lặp lại những sai lầm lịch sử một lần nữa.
Trong số các tri thức lịch sử mà chúng ta đã có về dân
tộc mình, thì tri thức về lịch sử chiến tranh lại không hề chiếm ưu thế so với
các mảng tri thức lịch sử khác, mặc dù cũng có thể thấy dấu ấn của nó. Một phần
lý do là vì, mỗi triều đại lịch sử thường đều say mê miêu tả và tư biện cho bản
thân triều đại ấy hơn là đúc rút kinh nghiệm từ xương máu phải đổ xuống và suy
nghĩ về nền hòa bình. Lại có một khoảng cách giữa tri thức lịch sử về chiến
tranh với đời sống, cũng vì thế trong tâm thức lịch sử người Việt, sức sống của
tri thức về lịch sử chiến tranh nhường chỗ cho những mong ước hòa bình và ổn
định. Ngay trong tư duy huyền thoại của người Việt Nam, cũng không có một lối anh hùng ca nào có sức sống hoặc ảnh
hưởng sâu rộng, cùng lắm ta chỉ có những ký ức vụn vặt kiểu dân gian về những
anh hùng chiến tranh như Thánh Gióng
– đó là chưa nói rằng, sức hấp dẫn của Thánh Gióng có thể cũng không hoàn toàn
nằm trong chiến công, mà trong nguồn gốc kỳ lạ và kết thúc bất ngờ. Tôi muốn
nói về điều này, trong sâu thẳm, đa phần người Việt Nam, như tôi nhận thấy, đều
ưa chuộng hòa bình, có điều tình yêu hòa bình của chúng ta lại dẫn đến sự thờ ơ
với chiến tranh hơn là ưu tư về nó. Vì thế, những tổng kết sâu sắc về chiến
tranh không thực sự có nhiều. Chúng ta có thể nhớ đến lời Trần Hưng Đạo trước
khi qua đời, hay lời của Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng, hoặc những tổng kết
trong Bình Ngô Đại Cáo, hoặc ý chí
của Tây Sơn, nhưng quả thật cũng không có nhiều những điều như thế để suy ngẫm.
Hơn nữa, tư duy và tri thức về chiến tranh lại có xu hướ/ng
khu biệt hóa nó với những vấn đề chính trị - xã hội – kinh tế - văn hóa của
tổng thể thời đại mà nó được đặt vào và từ đó tạo ra những bối cảnh kế tiếp,
chính vì thế mà tri thức lịch sử của chúng ta thường mất đi sức sống xã hội của nó. Để một tri thức lịch sử có sức sống
xã hội là điều khó khăn ở mọi nền văn hóa, cũng là vấn đề của mọi nền văn hóa,
vì quá trình trao truyền tri thức lịch sử lại cũng là quá trình cố định hóa
những mã gen bản sắc của một cộng
đồng, dân tộc. Không thể chỉ qua lễ hội và huyền thoại, mà còn cần đến giáo dục
chính quy và s`ự quan tâm từ phía chính trị.
Trong khi những thời đại lịch sử lùi sâu vào quá khứ để
dần dần ngủ quên và phai mờ những ấn tượng sinh động của nó, thì chúng ta lại
mới chỉ vừa đi qua cuộc kháng chiến 30 năm chưa lâu, với hệ thống tư liệu tốt nhất,
mặc dù vẫn còn nhiều tư liệu chưa giải mật, về một cuộc kháng chiến cũng lâu
dài nhất và trả giá bằng nhiều xương máu nhất mà người Việt Nam buộc phải thực
hiện – vậy nếu phải nghiên cứu lịch sử chiến tranh, thì 30 năm đó là đáng
nghiên cứu nhất trong mọi giai đoạn lịch sử có thể lựa chọn. Tôi cho rằng
nghiên cứu chiến tranh cận và hiện đại ở Việt Nam đặc biệt quan trọng, vì nhiều
câu hỏi của chúng ta hôm nay và tương lai vẫn đang nằm trong chính cuộc chiến
đó. Đây không chỉ là vấn đề “bài học lịch sử”, mà là vấn đề trực tiếp: cấu trúc
xã hội – chính trị (cả đối nội và đối ngoại) - văn hóa của Việt Nam hôm nay vẫn
đang đặt nền trên những vấn đề hậu chiến và giải chiến. Nói rõ hơn, tôi cho
rằng, xã hội chúng ta đang ở trong một không-thời gian kéo dài và
chưa đi đến những chuyển biến về chất sau chiến tranh 30 năm, và thời đại
hôm nay đích thực vẫn đang được gọi là “thời
kì quá độ”. Tôi cũng muốn nói thêm rằng, không thể lý giải những hiện
tượng lịch sử - chính trị - xã hội – văn hóa của Việt Nam ngày nay mà không
nhìn nó trong một dải sự kiện trải dài từ những biến cố đứt gãy cấu trúc trong
chiến tranh, cũng có nghĩa là bị tái cấu trúc ngay trong chiến tranh, để dần đi
đến những biến đổi hình thức trong thời hiện đại. Ở cái nhìn đó, chiến tranh là
nhân tố cốt lõi nhất và trung tâm nhất của lịch sử Việt Nam cận và hiện đại,
như thế, cũng là vấn đề căn bản nhất của chính xã hội Việt Nam ngày nay. Tôi
muốn nhắc lại điều này, rằng chúng ta chỉ có thể bảo vệ hòa bình bằng cách thấu
hiểu chiến tranh, chắc chắn là như vậy.
Dĩ nhiên tôi không hề có ý nói rằng tôi đã hoàn thành
được những ý nguyện nghiên cứu đúng như định hướng nhận thức của mình. Chắc
chắn rằng, để sử học có thể tạo đà cho khoa học xã hội phân tích triệt để xã
hội và thời đại mà nó đặt vào, từ đó hướng đến những định hướng lớn cho dân
tộc, chúng ta cần có một hệ thống các nhà nghiên cứu có chung khát vọng, thậm
chí cần tổ hợp thành một số những trường phái nghiên cứu có tính hiện đại, nếu
không, những nghiên cứu thảng hoặc và rời rạc không thể tạo lập lại vị thế của
sử học như đã từng có trong lịch sử dân tộc. Trái lại, nếu không đổi mới và
cách tân một cách có hệ thống sử học, có thể sử học sẽ đánh mất vai trò dẫn đạo
khoa học xã hội.
* XưaNay: Kết quả nghiên cứu của ông đã lý giải được những câu hỏi nào
đang đặt ra với công chúng?
* PGS.TS Hồ Khang: Trước hết, tôi muốn nói, với người nghiên cứu, căn bản có hai nhóm công
chúng: một là những đồng nghiệp và những học giả quan tâm, thứ hai là những người
không làm trong ngành sử nhưng muốn tìm hiểu lịch sử. Trong hoàn cảnh của tôi,
có thể của thế hệ tôi, để có sự ngăn cách rạch ròi giữa hai đối tượng này là
khá khó. Những gì chúng tôi thực hiện trong công việc của mình, đặc biệt với tư
cách là một nhà sử học, là cố gắng để lại những ghi nhận khoa học và tri thức
khoa học, thực sự không dễ dàng gì hướng trực tiếp tới công chúng xét như số
đông mọi người. Hình thức quan phương của khoa học đã ngăn cản điều này, tôi là
một nhà nghiên cứu ở trong thế hệ quy cách và quan phương đó, vì thế tôi cũng
thấy rằng đối tượng “công chúng” của tôi chắc chắn sẽ hạn chế.
Những năm qua, tham gia cùng đồng
nghiệp nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử
kháng chiến chống thực dân Pháp (bộ 7 tập) và bộ Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (bộ 9 tập), tại các công
trình này, ngoài việc đảm nhiệm các nội dung được phân công, tôi dành thời gian
tìm hiểu, nghiên cứu sâu một số chủ đề liên quan tới hai cuộc kháng chiến của
dân tộc ta, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nên đã đạt được
một số kết quả cụ thể, thể hiện ở danh mục các công trình khoa học đã được công
bố, bao gồm nhiều bài báo khoa học đã đăng tải trên các tạp chí khoa học chuyên
ngành hoặc các kỷ yếu hội thảo khoa học và các cuốn sách chuyên khảo, tham
khảo, giáo trình dùng cho công tác đào tạo đại học và sau đại học. Đây là những
công trình đề cập tới một số vấn đề, nhằm
góp phần làm rõ những nhân tố liên quan tới nguồn gốc chiến tranh, tới sự điều
hành của các cơ quan chỉ đạo chiến lược của phía Việt Nam và đối phương và nghệ
thuật quân sự Việt Nam...trong hai cuộc kháng chiến của nhân dân ta - những
cuộc kháng chiến mang tầm vóc thời đại lớn lao và chứa đựng trong đó nhiều vấn
đề khoa học cần tiếp tục được làm rõ.
Cho đến nay, sau gần 40 năm kể từ
ngày kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, vẫn còn không ít những vấn
đề đặt ra cho giới sử học. Ví dụ như, tính
chất cuộc chiến tranh là “nội
chiến” hay không? Có hay không những cơ
hội hoà bình bị bỏ lỡ - vấn đề mà vì nó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc. Namara
đã hai lần sang Việt Nam kể
từ sau khi cuộc chiến Việt - Mỹ kết thúc để tìm hiểu và thảo luận với phía Việt
Nam.
Cũng thế, xung quanh sự kiện lịch sử Tết
Mậu Thân hoặc vai trò của hậu phương
lớn miền Bắc trong toàn bộ cuộc chiến tranh, cho đến nay vẫn còn có những
nhìn nhận đánh giá khác biệt, và nhiều vấn đề phức tạp khác... Đối với các vấn
đề như thế, trong quá trình nghiên cứu, tôi đã cố gắng cùng đồng nghiệp của
mình đi sâu làm rõ và đã có một số kết quả nghiên cứu bước đầu. Về kết quả
nghiên cứu của bản thân, đối với tôi, chủ đề về Hậu phương trong kháng chiến
chống Mỹ, cứu nước và Sự kiện lịch sử Tết Mậu Thân 1968 là
trọng tâm nghiên cứu.
Từ những nghiên cứu như thế, tại
các công trình đã công bố, tôi rút ra một số thành công cũng như hạn chế của
quá trình xây dựng hậu phương; nêu ra một số nhận xét tổng quát về quá trình
này. Tổng kết lại, có thể thấy rằng, xây dựng hậu phương là quá trình quán xuyến phương châm tự lực cánh
sinh, độc lập tự chủ; là quá trình kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng với bảo vệ,
giữa động viên nhân tài vật lực với chăm lo bồi dưỡng sức dân bằng những chủ
trương và giải pháp đúng đắn, kịp thời, đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực
tế và phản ánh ý chí, khát vọng của mọi người Việt Nam yêu nước: xây dựng hậu
phương vững mạnh để tạo điều kiện tiền đề vật chất cho cuộc kháng chiến chống
Mỹ, cứu nước của Dân tộc.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân
1968 chiếm giữ một vị trí to lớn trong toàn bộ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ,
cứu nước của nhân dân ta. Từ
bao năm qua, Tết Mậu Thân là chủ đề
thu hút sự chú ý đối với giới nghiên cứu trong nước và
quốc tế bởi tầm quan trọng và tính phức tạp chứa đựng trong bản thân sự kiện
lịch sử này. Mặc dù đã có không ít cuốn sách, bài báo, hội thảo khoa học đề cập
tới Tết Mậu Thân, nhưng cho tới nay,
xung quanh sự kiện lịch sử này, vẫn còn nhiều vấn đề đang được đặt ra, nhiều ý
kiến đánh giá vẫn còn sự khác biệt, thậm chí đối lập nhau khá gay gắt...
* XưaNay: Ông có nhận định hoặc đánh giá như thế nào về sự quan tâm của
thế hệ trẻ hiện nay đối với vấn đề này?
* PGS.TS Hồ Khang: Tôi thấy trước hết
nên nói xem thế hệ trẻ đối với lịch sử
và tri thức lịch sử thế nào. Tình yêu tri thức là điều tự nhiên của
người trí thức, không có nó thì cũng không phải người trí thức. Nhưng quan niệm
về “sự quan tâm” đến tri thức rõ ràng cũng khác nhau theo từng bối cảnh. Tôi
cho rằng trong thời đại thông tin, người ta thích đi tìm những tri thức dễ tiếp
thu, có tính kích thích hơn là những tri
thức đòi hỏi sự suy ngẫm, tìm tòi, hiểu biết rộng… Tôi cũng đã nói, thiếu sự
trầm tư về chiến tranh, thì sẽ thờ ơ với hòa bình. Chúng ta có thể tổ chức
nhiều phong trào, ban đầu đem lại kết quả rất tích cực, động viên được đoàn thể
to lớn, nhưng sau đó thì tan biến cũng nhanh, chính là vì những người tham gia
không có đủ tri thức về vấn đề họ đang nhập thân vào. Thiếu tri thức thì cũng
dễ bị kích động, trở thành một phần trong đám đông mù mờ của lịch sử, chắc chắn
là như vậy.
Vì thế, tri thức
lịch sử mà những người làm về chiến tranh mang lại thường không được quan tâm ở
diện rộng, dĩ nhiên chuyện này cũng có phần lỗi của phương pháp mà chúng ta đưa
lại tri thức cho thế hệ kế tiếp. Ngày nay, tôi nghĩ, ngoài một số các trí thức
trẻ đam mê và tìm hiểu cặn kẽ mọi vấn đề lịch sử, đa phần thế hệ trẻ thích đọc
những tin sử vắn tắt, những lời phiếm đàm lịch sử, cũng vì thế nhanh chóng tiếp
thu những phát ngôn nhất thời, hơn là nhìn nhận và đào sâu vào tri thức lịch sử
để tự tìm được chân lý cho mình. Lại phải nói lại, ngoài nguyên nhân về sự mở
rộng thông tin, thì cũng còn do cách chúng ta trao truyền tri thức nữa. Ở mặt
này, cá nhân tôi nghĩ rằng, có lẽ cả đến những nghiên cứu lịch sử “kinh điển”
cũng không hấp dẫn số lượng lớn người đọc nữa.
Vấn đề lịch sử mà tôi đặt trọng tâm nghiên cứu vào lại
càng lùi xa so với hiện tại, vì thế tôi nghĩ “công chúng” của chúng tôi đa phần
là giới nghiên cứu hoặc những người cần tài liệu để thực hiện vài tiểu luận cấp
bách. Cũng vì thế, trong giới sử học từ trước tới nay, một tác phẩm thành công
rốt cuộc lại là có được những người nghiên cứu quan tâm hay tán thành không,
chứ không phải ở sức lan tỏa xã hội về tri thức mà nó tạo nên được.
XưaNay: Xin cảm ơn Đại tá, PGS.TS Hồ Khang.
Trần Hồng Ánh (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!