PGS,TS. Hồ Khang: Mục tiêu chủ yếu của phía Mỹ khi mở cuộc tập
kích này là nhằm buộc phía Việt Nam
ký kết một hiệp định có lợi cho Mỹ. Đó là nỗ lực quân sự cuối cùng và cao nhất
của chính quyền Nixon trước khi buộc phải ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến
tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đồng thời, thông qua đòn đánh có tính chất
hủy diệt này, chính quyền Nixon muốn hủy hoại đến mức kiệt quệ tiềm lực kinh
tế-quốc phòng miền Bắc, làm lung lay ý chí chiến đấu của quân dân Việt Nam; vực
dậy và củng cố tinh thần của chính quyền-quân đội Sài Gòn đang bị hoang mang,
dao động sau những thất bại to lớn trên chiến trường miền Nam.
PV: Thưa ông, khi quyết định dùng B52 đánh phá Hà Nội, Hải
Phòng, chính quyền Nixon đánh giá như thế nào về khả năng của phía Bắc Việt Nam,
nhất là lực lượng phòng không?
PGS,TS. Hồ Khang: Mở cuộc tập kích bằng B52 này, chính
quyền Nixon có phần chủ quan trong việc đánh giá khả năng của miền Bắc Việt Nam, đánh giá thấp
lực lượng phòng không VNDCCH. Lùi lại một chút thời gian, vào đêm 20.11.1970,
chính quyền Nixon liều lĩnh mở cuộc tập kích bằng máy bay trực thăng, được nhiều máy bay F-105 làm nhiệm vụ nghi binh và yểm trợ,
xuống khu vực ở Thị xã Sơn Tây nhằm cướp tù binh Mỹ. Tuy cuộc tập kích không
đạt được mục đích đề ra (do trước đó tù binh Mỹ đã được phía Việt Nam di chuyển
đến nơi khác) nhưng việc máy bay trực thăng Mỹ có thể đổ bộ xuống ngoại thành
Hà Nội mà không bị phát hiện đã làm cho chính quyền Mỹ đánh giá không cao khả
năng phát hiện của hệ thống ra-đa phòng không miền Bắc. Từ tháng 4.1972 đến
tháng 10.1972, Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai, trong đó
có rất nhiều phi vụ B52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng mà không bị trừng trị. Điều
đó càng củng cố sự chủ quan, đánh giá trước đây của phía Mỹ. Một nhà sử học Mỹ,
giáo sư Gơ-rin-út trong cuốn sách “The
America war in Vietnam” đã bình luận: Kết
quả những trận đánh B52 trước tháng 12.1972 đã làm mê hoặc các nhà vạch kế
hoạch của Mỹ.
Cho nên, dù đã được các cơ quan tham mưu chiến lược Mỹ cảnh báo về
hệ thống lưới lửa phòng không dày đặc bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng, nhưng Nixon vẫn
lệnh cho Đô đốc Moorer - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ mở cuộc
tập kích B52 vào Hà Nội, Hải Phòng với sự tin tưởng vững chắc đòn đánh B52 sẽ
buộc đối phương phải nhân nhượng Mỹ.
PV: Dường như phía Mỹ đã không lường hết sức mạnh tiềm ẩn của
quân dân ta cũng như những sáng tạo, bước tiến của quân dân ta qua từng ngày
đối diện với B52 của Mỹ?
PGS,TS. Hồ Khang: Nhà sử học Mỹ Gabriel Kolko, trong
tác phẩm “Giải phẫu một cuộc chiến tranh”
đã nhận xét rằng: chiến tranh nhân dân
Việt Nam
luôn tiềm ẩn sức mạnh to lớn từ sự sáng tạo của bản thân nó. Mỹ đã đánh giá
không đầy đủ và đã chọn nhầm đối thủ. Tôi nghĩ rằng, cuộc đọ sức giữa bầu
trời và mặt đất trong 12 ngày đêm cuối 1972 ở Hà Nội cũng là một trong những ví
dụ tiêu biểu chứng minh cho nhận xét ấy. Một trong những vấn đề nan giải đặt ra
cho lực lượng phòng không miền Bắc lúc bấy giờ là bằng cách nào để tìm ra
phương pháp nhận biết, tiếp cận và bắn hạ mục tiêu B52. Cho đến thời điểm ấy, không
nhà quân sự nào trên thế giới, thậm chí ngay cả nhiều tướng lĩnh, cán bộ chỉ huy
của Việt Nam tin rằng có thể tìm ra phương pháp nhận biết, tiếp cận và bắn hạ
B52 hiệu quả đến như vậy. Hơn nữa, việc tìm ra “cách đánh B52” hiệu quả cao
trong một thời gian ngắn đúng là đã vượt ra ngoài sự lường định của các nhà
quân sự Hoa Kỳ. Trong thời điểm vô cùng khó khăn, sức sáng tạo của quân dân
Việt Nam đã được phát huy cao độ, kịp thời, góp phần quyết định đến thắng lợi
của trận đánh 12 ngày đêm.
PV: Chúng ta có thực sự chủ động trong việc chuẩn bị cho tình
huống Mỹ sử dụng B52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng cuối năm 1972 hay không?
PGS,TS. Hồ Khang: Việt Nam rất chủ động. Quyết tâm đánh thắng B52 đã được phía Việt Nam đề
ra từ sớm. Tháng 6-1965, Mỹ bắt đầu sử dụng B52 trên chiến trường miền Nam Việt
Nam.
Đến tháng 4-1966, Mỹ bắt đầu sử dụng B52 đánh phá miền Bắc Việt Nam.
Ngay từ thời điểm đó, Trung ương Đảng LĐVN đã đề nghị Quân chủng Phòng
không-Không quân nghiên cứu cách đánh B52. Qua thực tiễn chiến đấu và những
hiểu biết tích lũy được về vũ khí, khí tài và thủ đoạn hoạt động của địch, phía
Việt Nam đã rút ra nhiều kinh nghiệm đánh B52, những kinh nghiệm ấy đã được
viết thành tài liệu “cách đánh B52”, sau đó tiếp tục được bổ sung. Đến tháng
9-1972, kế hoạch đánh B52 được triển khai gấp rút và cơ bản hoàn thành. Dự đoán
chính xác âm mưu và hành động của đối phương, nhất là những diễn biến trên bàn Hội
nghị Pari, trước việc Mỹ phá hoại hội đàm, từ giữa tháng 11-1972, quân dân Hà
Nội, Hải Phòng bước vào chuẩn bị trực tiếp mọi mặt cho cuộc đọ sức quyết liệt
này. Các trận địa phòng không của cả ba thứ quân khẩn trương triển khai
sẵn sàng chiến đấu.
Thực ra, nên chuẩn bị ra sao để đối đầu với “siêu Pháo
đài bay B52” của Mỹ lúc bấy giờ? Đúng là Việt Nam cần súng đạn, tên lửa, những
vũ khí căn bản trong cuộc đối đầu khốc liệt ấy. Nhưng cũng quan trọng không
kém, trong cuộc chiến đấu này, để giành thắng lợi, đòi hỏi phải phát huy cao độ
trí thông minh, lòng quả cảm, sức sáng tạo của con người Việt Nam, của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.
PV: Một chuyên gia Nga đã
nói rằng, chúng tôi đã rút ra được những kinh nghiệm về việc sử dụng các loại
vũ khí để chống lại các phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ. Chính vì thế,
chúng tôi cũng phải nói “cảm ơn các bạn Việt Nam”. Ông có bình luận gì về ý
kiến này, đây có phải là một phát biểu “ngoại giao” không?
PGS,TS. Hồ Khang: Tôi cho rằng đó không hẳn là phát biểu
mang tính chất ngoại giao. Thực tế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước,
nhân dân Việt Nam nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ rất to lớn, hiệu quả của các
nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có Liên Xô. Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô
đã giúp đỡ nhiều loại vũ khí cho Việt Nam. Trong chiến thắng “Điện Biên
Phủ trên không 1972”, tên lửa SAM2 do Liên Xô viện trợ là vũ khí chủ yếu bắn
rơi B52. Chiến trường Việt Nam
cũng chính là nơi thử nghiệm các loại vũ khí của cả phía Mỹ và Liên Xô. Nhiều
chuyên gia Liên Xô cùng sát cánh với quân dân Việt Nam chiến đấu chống lại cuộc chiến
tranh phá hoại của giặc Mỹ. Trải qua thực tiễn, một số cải tiến liên quan đến
vũ khí, phương tiện chiến tranh đã được hai bên nghiên cứu, ứng dụng, nâng cao
hiệu lực. Những kinh nghiệm như thế đã trở thành tài sản chung của quân đội và nhân
dân Việt Nam - Liên Xô, góp phần tăng cường tình đoàn kết giữa quân đội và nhân
dân hai nước.
PV: Nhưng điều cốt lõi
nào đã làm nên chiến thắng của ta trong trận chiến quyết định này?
PGS,TS. Hồ Khang: Vũ khí có vai trò quan trọng, nhưng
tôi nghĩ điều cốt lõi đưa đến thắng lợi nằm ở việc phát huy nhân tố con người. Quân
dân Việt Nam với tài mưu lược, sức sáng tạo cùng tinh thần yêu nước được hun
đúc trong truyền thống đấu tranh bất khuất đã đóng vai trò quyết định đến thắng
lợi trong trận chiến này. Những cuộc chiến tranh về sau mà nước Mỹ tham chiến,
Mỹ vẫn sử dụng các pháo đài bay B52, nhưng đối phương của họ không thể bắn hạ được
số lượng B52 nhiều như ở Việt Nam, dù được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại
hơn Việt Nam năm 1972. Năm 2001, khi trở lại thăm Việt Nam, Thượng tướng
A-na-tô-li I-va-nô-vích Khiu Pen-nen, nguyên là Trưởng đoàn chuyên gia quân sự
Liên Xô tại Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đã phát biểu: trao vũ khí tên lửa cho các bạn Việt Nam là
trao nó cho những bộ óc sáng tạo và những bàn tay vàng. Thật sự là vinh quang
cho bộ đội tên lửa Việt Nam!
PV: Trong những chiến công trong 12 ngày đêm khói lửa này, qua
nghiên cứu, ông ấn tượng với chiến công nào, với tình huống bắn rơi B52 nào
nhất?
PGS,TS. Hồ Khang: Tôi nghĩ đó là chiến công bắn rơi tại
chỗ chiếc B52 ngay trong đêm đầu tiên trên bầu trời Hà Nội (18-12-1972).
Như tôi
đã nói ở phần trên, quân dân Việt Nam đã rất chủ động để đối phó với tình huống
Mỹ dùng B52 đánh phá ồ ạt vào Thủ đô Hà Nội. Cả Việt Nam và Mỹ đều xác định đây
là trận đánh có ý nghĩa quyết định đến kết quả thương lượng trên bàn đàm phán
Pari. Tuy nhiên, mức độ Mỹ đánh phá thế nào, khả năng thực tế đánh trả của quân
dân Việt Nam ra sao vẫn là câu hỏi lớn. Vì thế, khi chiếc máy bay B52 đầu tiên
bị bắn rơi tại chỗ đêm 18.12.1972, bầu không khí căng thẳng chờ đợi ngay tại Tổng
hành dinh lập tức được giải tỏa. Trong hồi ký của mình, Đại tướng-Tổng Tư lệnh
Võ Nguyễn Giáp cho biết: Lúc đó, Đại tướng bước ra ngoài Sở Chỉ huy. Trời rét
đậm và mưa bụi nhưng lòng Đại tướng “lại thấy ấm áp lạ thường”... Chiến công
đầu tiên đó củng cố niềm tin và quyết tâm cho toàn quân, toàn Việt Nam trong
cuộc đọ sức giữa mặt đất và bầu trời cuối tháng 12 năm ấy.
PV: Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa mà chiến thắng Điện Biên
Phủ trên không mang lại? Nhất là với tiến trình đàm phán Hội nghị Pari?
PGS,TS. Hồ Khang: Lần đầu tiên trong chiến tranh, quân
dân Việt Nam đã tổ chức và thực hiện thành công một chiến dịch phòng không quy
mô lớn, đánh thắng cuộc tập kích của không quân chiến lược Hoa Kỳ bằng một đòn
tiêu diệt nặng nề.
Chiến
thắng ấy đã được dư luận phương Tây gọi tên “Điện Biên Phủ trên không”, làm
hỏng kế hoạch thương lượng trên thế mạnh của chính quyền Nixon, là đòn giáng quyết định quan trọng buộc Mỹ
phải ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (ngày
27-1-1973). Đó là một trong những bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu
nước, tạo điều kiện quyết định cho công cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn
miền Nam,
thống đất nước trong chặng đường tiếp theo.
PV: Ông ấn tượng với những đánh giá của các chính khách,
tướng lĩnh, học giả, báo giới quốc tế nào về chiến thắng Điện Biên Phủ trên
không?
PGS,TS. Hồ Khang: Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên
không 1972” đã thu hút đông đảo dư luận phương Tây và thế giới ngày ấy. Cho đến
nay, nó vẫn là đề tài quan tâm tìm hiểu của nhiều chính khách, tướng lĩnh, học
giả, báo giới cả trong và ngoài nước. Mỗi người nhìn nhận và đưa ra những nhận
xét, đánh giá không giống nhau.
Tôi chỉ
muốn nhấn mạnh rằng: Chiến công này là một sự bất ngờ lớn và gây sốc cho
Mỹ-chính quyền Sài Gòn. Tổng thống Nixon, trong hồi ký của mình, đã thừa nhận: Mối lo lớn nhất lúc đó không phải là làn sóng
phê phán đến từ trong nước cũng như ngoài nước, mà là những tổn thất nặng nề về
B52 bị bắn hạ trên bầu trời Hà Nội.
Trong
tài liệu Tổng kết về chiến tranh không
quân của Mỹ ở Đông Dương, nhóm học giả ở trường đại học Cooc-nen (Mỹ) đã
đưa ra kết luận: Thắng lợi của người Việt
Nam
là một ví dụ vô song về sự toàn thắng của trí tuệ con người đối với vũ khí, máy
móc.
Còn
Ra-un Van-đét Vi-vô (Đại sứ Cu-ba tại Hà Nội), chứng kiến cuộc chiến đấu của
quân dân Thủ đô Hà Nội ngày ấy đã nhận xét: Tại
Hà Nội anh hùng...người ta đã thấy rõ một dân tộc không đầu hàng và không hề sợ
sệt, quyết tâm làm theo Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.Hà Nội
anh hùng đã đập tan vĩnh viễn câu chuyện thần thoại về những B52 của Mỹ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!