Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

TRẢ LỜI PHỎNG VẤN TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ AN VỀ NGÀY 30-4


1-Cuộc chiến tranh Việt Nam đã kết thúc được 40 năm. Cả nước đang rội ràng kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng. Với tư cách một người nghiên cứu lịch sử quân sự, ông có suy nghĩ gì về cuộc chiến đã qua và ngày hôm nay?
Chiến tranh kết thúc đã 40 năm - một khoảng thời gian đủ dài để nhìn nhận, nghĩ suy và phân tích, luận giải rất nhiều vấn đề.
Với đất nước, khi cuộc chiến kết thúc cũng là lúc bắt đầu một khởi đầu mới của một thời kỳ mới– thời kỳ xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Đó là cuộc chiến không kém phần cam go, không ít khó khăn, thách thức. Chúng ta đã chiến thắng trong chiến tranh và  không thể thất bại trong hòa bình. Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận rằng, dù đã có những đổi thay nhất định sau 4 thập kỷ, song hiện nay Việt Nam vẫn là nước có nền kinh tế kém phát triển, trình độ mọi mặt tụt hậu so với nhiều nước ở khu vực. Hiện Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ và trên nhiều phương diện: Về kinh tế, văn hóa, về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải…

“Xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”- đó là nguyện ước của những người đã ngã xuống, là khát vọng của người đang sống. Chưa làm được điều đó, chúng ta không chỉ mang tội với quá khứ, mà còn mắc nợ với tương lai.
Với người nghiên cứu lịch sử, 40 năm là độ lùi thời gian đủ để có thể nhận chân nhiều vấn đề, nhiều sự kiện thuộc về hoặc liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam trên tinh thần khách quan, công bằng. Dẫu kết thúc đã gần 40 năm, nhưng hàng loạt vấn đề khoa học chứa đựng trong bản thân cuộc kháng chiến đã, đang và vẫn sẽ còn là những chủ đề tìm hiểu, đi sâu nghiên cứu của những người quan tâm, của giới sử học trong nước cũng như nước ngoài. Bất chấp sự nỗ lực của giới nghiên cứu, hiện vẫn rất cần bổ khuyết, hoặc nhìn nhận thấu đáo một số sự kiện lịch sử như vai trò lực lượng thứ ba, sự kiện đánh chiếm Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975, vai trò của nội các Dương Văn Minh, những díc dắc quan hệ đồng minh của Việt Nam với một số nước lớn.... Về phía những nhà nghiên cứu lịch sử quân sự, chúng tôi vẫn còn “mắc nợ” cuộc chiến, khi hàng loạt những khoảng trống lịch sử vẫn còn chưa được làm rõ hoặc chưa được soi tỏ thấu đáo.
2-Theo ông giá trị lớn nhất, có ý nghĩa lớn nhất của chúng ta trong cuộc chiến tranh này là gì?
Việt Nam nối liền một dải “từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái’. Hai miền Nam Bắc như máu với thịt, vốn có sự gắn bó không tách rời về mặt địa dư, thế nhưng từ năm 1954, Việt Nam lại bị chia tách – đó cũng là nỗi đau, nỗi khắc khoải của đồng bào ngoài này cũng như trong ấy. Chiến thắng 30-4, vì thế, ý nghĩa lớn nhất, giá trị lớn nhất mà nó mang lại là non sông đất nước liền một giải, Bắc Nam sum họp một nhà, chúng ta có hòa bình thực sự, được sống trong hòa bình để xây dựng đất nước.
Tôi muốn nói thêm một điều: Từ lịch sử đến hiện tại, dân tộc Việt Nam luôn phải đương đầu hoặc có nguy cơ đương đầu với chiến tranh, vì thế, hơn ai hết, người Việt Nam hiểu rõ giá trị hòa bình. Đi qua chiến tranh, cả dân tộc đã phải đi qua mất mát, hi sinh máu xương, đi qua hoang tàn, đổ nát…đã phải trả giá đắt cho chiến tranh dù chúng ta không là người khởi xướng. Kỷ niệm ngày chiến thắng, chúng ta luôn nên tâm niệm một điều: Khôn ngoan nhất là không rơi vào chiến tranh, không để chiến tranh xảy ra. Hãy biết trân quý và bảo vệ hòa bình.
3-Hậu quả lớn nhất mà cuộc chiến tranh này để lại cho dân tộc ta là gì?
Tôi cho rằng, hậu quả lớn nhất của cuộc chiến tranh là lòng người chia rẽ. Nó hình thành nên “phía bên này” và “phía bên kia” để mỗi độ Xuân về, vào dịp 30-4, khi trong nước tưng bừng giăng cờ hoa, khẩu hiệu, pháo hoa, diễu binh mừng ngày chiến thắng thì không ít người coi đó là “tháng Tư đen”, là “ngày quốc hận”…Vết thương chiến tranh không nằm ở những hố bom lở lói trên mảnh đất hình chữa S, nó nằm sâu trong tâm thức của nhiều người con đất Việt, trong nỗi đau xa xứ, ly hương, trong nỗi hận vì là bên thua cuộc…Có điều lạ là khi hai cựu thù Việt – Mỹ đã có thể ngồi cùng bàn đối thoại, thì đồng bào “máu đỏ, da vàng” vẫn chia chiến tuyến.
Chia rẽ là yếu, chia rẽ là đi ngược với truyền thống, đạo lý người Việt Nam. Đó là nỗi đau chưa dứt, là vết thương chưa liền sẹo mà 40 năm trước, cả phía “bên này” và phía “bên kia” đều không ai ngờ hết. Thế đấy, hình như truyền thuyết “trăm trứng” - mẹ Âu Cơ lên rừng, cha Lạc Long Quân xuống biển vẫn là nỗi day dứt khôn nguôi của người Việt từ thủa hồng hoang cho đến ngày hôm nay.
4-Từ mấy chục năm nay đã có nhiều nghiên cứu và nhận định về nguyên nhân thắng lợi của chúng ta. Ông có một nhận định riêng nào của mình không?
Không chỉ người nghiên cứu quen nói về, quen phân tích nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ mà điều đó còn được truyền thông thường xuyên đề cập đến trong các dịp tuyên truyền, kỷ niệm. Nguyên nhân thắng lợi của chiến tranh Việt Nam cũng rất được ưa chuộng mổ xẻ trong các nghiên cứu chuyên sâu của “phía bên kia”, nhất là các nhà nghiên cứu người Mỹ. Nó cho thấy đó là một vấn đề hết sức quan trọng với cả hai bên đối chiến; đồng thời nói lên rằng, đây là vấn đề được luận giải tương đối kỹ lưỡng, khá đầy đủ trên nhiều chiều cạnh khác nhau. Vì thế, nếu tôi có nói thêm điều gì thì cũng không nằm ngoài những điều đã được nhận thức. Tuy nhiên, bên cạnh những phân tích khoa học, bằng cảm thức lịch sử, với cách diễn đạt riêng, tôi cho rằng, Việt Nam thắng vì cả dân tộc đã chiến đấu với niềm tin tuyệt đối, vững chắc, không hao hụt vào tính chính danh của cuộc kháng chiến, đã chiến đấu bằng tinh thần của một dân tộc nhỏ sẵn sàng hy sinh chứ không chịu khuất phục trong khi đối phương thì luôn bị trói buộc bởi vũ khí tối tân và các học thuyết chiến tranh rối rắm.
5- 20 năm chiến tranh cũng đồng thời là 20 năm biến động văn hóa của cả hai đầu đất nước. Ông nghĩ sao về biến động văn hóa dưới tác động của chiến tranh?
Văn hóa đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của xã hội loài người, thể hiện tầm cao và chiều sâu về trình độ phát triển của mỗi quốc gia dân tộc. Văn hóa góp phần củng cố và thúc đẩy quá trình phát triển; ngược lại, mọi biến động của đời sống xã hội cũng tác động trực tiếp đến văn hóa và làm biến đổi nó; như thế, cuộc chiến tranh 21 năm không thể không để lại dấu ấn của nó trên văn hóa Việt Nam. Có điều, khi nghiên cứu về cuộc chiến tranh 21 năm ấy, dường như các nhà nghiên cứu chuyên chú nhiều hơn vào các hoạt động quân sự, các kế hoạch chiến lược chiến tranh, các kết quả quân sự thắng thua của mỗi bên tham chiến…, có phần ít quan tâm đến chiều cạnh văn hóa.
Có lẽ, nói về những dấu ấn văn hóa tích cực và tiêu cực từ cuộc chiến tranh là chủ đề quá rộng, đòi hỏi những luận giải kỹ càng, sâu sắc, những nghiên cứu công phu, chuyên sâu. Để tóm tắt trong vài ba từ, tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều: Văn hóa chính là không gian, trong đó, tư duy chính trị (và cả kinh tế) được hình thành, nuôi dưỡng. Chính văn hóa, chứ không phải cái gì khác đã quyết định sự thành bại của một dân tộc, một quốc gia. Văn hoá đã nuôi chúng ta lớn khôn, dạy chúng ta làm người, chúng ta sẽ phải trả giá nếu như trong từng bước đi, trong từng bước phát triển, chúng ta bỏ quên văn hóa, hoặc không có những thái độ ứng xử thích hợp – đối với chiến tranh cũng thế, đối với hòa bình càng thế. Đã đến lúc cần đặt trọng tâm mọi hoạt động vào văn hóa – cả trên phương diện xây dựng và nghiên cứu.
6-Trong lịch sử, đặc biệt là lịch sử chiến tranh, có cho phép đưa ra chữ “nếu” không, thưa ông?
Lịch sử là cái đã qua, là quá khứ, lịch sử chỉ có một, đã qua thì không bao giờ trở lại, vì thế, lịch sử không có chỗ cho chữ “nếu”. Dù vậy, chiêm nghiệm, nhìn lại lịch sử, người ta vẫn thường hay đặt câu hỏi “nếu như…”. Để lịch sử không có chữ “nếu”, trách nhiệm thuộc về các nhà nghiên cứu. Trên cơ sở nguồn tư liệu phong phú, có độ tin cậy cao, với những phương pháp tiếp cận khoa học, khách quan và tinh thần tôn trọng sự thật, nêu cao ý thức trách nhiệm đối với lịch sử, các nhà nghiên cứu cần làm rõ một cách toàn diện, sâu sắc toàn bộ cuộc kháng chiến, tỉnh táo đúc rút những vấn đề mang tính quy luật và đặc thù phục vụ hiện tại, vì nhiều câu hỏi của ngày hôm nay và tương lai vẫn đang nằm trong chính cuộc chiến đó. Chúng ta chỉ có thể bảo vệ hòa bình bằng cách thấu hiểu chiến tranh, chắc chắn là như vậy!
7- Có lẽ ít dân tộc nào trên thế giới lại phải thường xuyên đương đầu với chiến tranh như dân tộc Việt Nam. Người ta bảo đó là “lời nguyền địa lý”, ông có suy nghĩ gì về điều đó?
Quả thật, lịch sử Việt Nam gắn liền với lịch sử giữ nước. Ở vào vị trí chiến lược trọng yếu, quá nửa thời gian trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, các thế hệ người Việt Nam phải dồn tâm lực vào các hoạt động quân sự để giành lại, giữ vững nền tự do, độc lập và vẹn toàn lãnh thổ. Lịch sử Việt Nam được viết nên bởi máu và nước mắt của trường kỳ chiến đấu với ngoại xâm – quá khứ đã vậy, ngày hôm nay điều đó vẫn chưa qua, nó tồn tại dưới những dạng thức vừa truyền thống, vừa phi truyền thống.
Nằm ở giao lộ của nhiều tuyến giao thông cả trên bộ và trên biển, trong quá khứ, Việt Nam là địa bàn bị nhòm ngó thường xuyên, còn ở thời hiện đại, Việt Nam trở thành nơi các nước lớn tranh giành ảnh hưởng. Bên cạnh đó, Việt Nam có một láng giềng đầy thách thức là Trung Quốc với đặc trưng có tính lịch sử - yếu tố mở nước truyền thống, tham vọng mở rộng địa bàn hoạt động, cương vực sinh tồn, lãnh thổ, đất đai.
Những yếu tố đó cùng hội tụ khiến người ta đã diễn tả nó một cách hình tượng: Việt Nam chịu sức ép của “lời nguyền địa lý”. Điều đó không sai, tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, đó là thách thức đồng thời cũng là ưu thế. Khi đã không được phép chọn lựa vị trí địa lý, điều còn lại có thể làm là phải biến áp lực thành động lực.
8- 40 năm sau chiến tranh của dân tộc ta cũng là một hành trình đầy vất vả, gian khó. Giữa lòng 40 năm đó là hai cuộc chiến tranh ở hai đầu đất nước, thậm chí là có hơn 2 cuộc chiến tranh. Hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức về chủ quyền quốc gia dân tộc, nhất là trên biển Đông. Nhìn lại lịch sử dân tộc suốt mấy ngàn năm, ông nghĩ gì, có nhận định gì một số yếu tố mang tính kết nối trong suốt chiều dài ấy?
Do vị trí địa lý, Việt Nam có một nước láng giềng phương Bắc lớn hơn mình gấp nhiều lần. Sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc, Trung Quốc là một trong những đồng minh quan trọng của Việt Nam trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc chống Pháp và chống Mỹ. Và lịch sử thật trớ trêu, khi Việt Nam có hòa bình, Trung Quốc là thủ phạm (trực tiếp hoặc gián tiếp) gây ra hai cuộc chiến tranh ở hai đầu  biên giới. Trên hướng biển, ngoài những xung đột, đụng độ cỡ nhỏ, Trung Quốc đã tiến đánh Việt Nam hai trận quyết định: Hoàng Sa (1974), Trường Sa (1988). Như vậy, trong suốt chiều dài tồn tại của Việt Nam, yếu tố Trung Quốc luôn có mặt, luôn hiện hữu, có những ảnh hưởng quan trọng đến tiến trình lịch sử Việt Nam. Trong quan hệ với Việt Nam, kể cả lúc hữu hảo nhất, Trung Quốc luôn đối xử với Việt Nam theo kiểu nước lớn, sẵn sàng chèn ép, chưa bao giờ từ bỏ ý định, tham vọng thống trị hoặc khống chế Việt Nam.
Trung Quốc đã từng chinh phục, đồng hóa nhiều nước láng giềng khác, đã từng cai trị Việt Nam và luôn mang giấc mộng bá vương - nỗi ám ảnh tâm thức dân tộc. “Con rồng Trung Hoa” chưa bao giờ thôi ý định bung ra khỏi đường biên giới hiện tại vốn từ rất lâu đã trở nên chật hẹp đối với chính nó. Đó là những điều mà trong mỗi bước đường phát triển, dân tộc Việt Nam phải nhớ lấy để có những ứng xử phù hợp. Láng giềng là số phận, là không thể chọn lựa, chỉ có thể chọn cách chung sống thích hợp.
9-Chúng ta có thể nghĩ đến một hằng số bản tính dân tộc nào khác của Trung Hoa, ngoài cái chủ nghĩa bành trướng Đại Hán mà cả thế giới đều biết và kiêng dè?
Dưới áp lực dân số, tài nguyên, đất đai sinh kế…Trung Quốc phải có không gian sống lớn hơn rất nhiều. Nước này không thể tồn tại như hiện nay nếu không bành trướng để chiếm đoạt các nguồn tài nguyên và lãnh thổ và đây là một thực tế.
Trung Quốc là nước lớn, là bậc thầy về tạo thời, tạo thế. Trong các bước đi, trong từng bước phát triển nói chung, trong các cuộc ganh đua hay các mâu thuẫn, xung đột với các quốc gia khác, Trung Quốc luôn có những tính toán chi li, có những kế hoạch vừa cụ thể, vừa bao quát với tầm nhìn trung hạn và dài hạn. Đặc biệt, với sức mạnh kinh tế, quân sự như hiện tại, trong nhiều trường hợp, Trung Quốc đủ sức viết nên luật lệ của mình.
Ở đây tôi không muốn quy về bản tính dân tộc, chỉ muốn chỉ ra những đặc điểm hành động và tư duy nổi bật của Trung Quốc gắn với văn hóa và thế mạnh hiện tại để nhìn thấy rõ hơn một điều: Việt Nam là nước nhỏ tồn tại bên cạnh một nước lớn như Trung Quốc quả thật là hết sức khó khăn. Việt Nam đã từng đi qua nhiều cuộc chiến tranh và hiểu rõ giá trị của hòa bình. Muốn đứng vững, Việt Nam không có cách nào khác là phải hiểu thật rõ người láng giềng của mình, lượng đúng sức mình, nhìn rõ, nhìn thấu đáo các chuyển động trong quan hệ quốc tế… để có những lựa chọn phù hợp. Nước nhỏ có cách tồn tại của nước nhỏ nhưng với một cái đầu thông thái, “biết mình, biết người”.
10-Nhiều năm nay nay, một nỗ lực hóa giải và khắc phục hậu quả chiến tranh, Đảng và Nhà nước ta chủ trương hòa hợp, hòa giải dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng và cần thiết. Với tư cách một nhà nghiên cứu lịch sử quân sự, ông có thể chỉ dẫn những kinh nghiệm từ chính lịch sử dân tộc ta và từ kinh nghiệm của lịch sử các dân tộc khác?
Có một sự thực là đất nước thống nhất đã 40 năm nhưng vẫn chưa thống nhất được lòng người, lòng người chưa thu về một mối. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng nói: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương và biện pháp nhằm “giữ lành” vết thương cuộc chiến, song vết thương tiếp tục “rỉ máu” – điều đó chứng tỏ rằng, những chủ trương và biện pháp ấy còn có chỗ chưa thực phù hợp, chưa thực hiệu quả; do vậy, cần tiếp tục tìm kiếm những phương pháp, giải pháp sát hợp hơn, quyết liệt hơn.
Nhìn từ kinh nghiệm hòa hợp, hòa giải của các dân tộc khác trên thế giới, tôi tâm đắc cách thức mà người ta đối xử với nhau sau cuộc nội chiến Hoa Kỳ (1861-1865). Hoặc như ở Nam Phi, Nelson Mandela luôn ưu tiên đặt vấn đề hòa giải dân tộc lên hàng đầu, nêu cao tính liêm chính, tính nhân đạo, sự tôn trọng đối với các lực lượng khác nhau trong xã hội. Ở nước láng giềng Campuchia, họ cũng đã khá thành công trong hòa hợp hậu chiến, nỗ lực dẹp bỏ những khác biệt, bất đồng chính kiến, đặt lợi ích chung của quốc gia, dân tộc lên trên hận thù phe phái.
11-Câu hỏi cuối cùng chúng tôi muốn ông trao đổi rằng, theo ông, với bối cảnh địa chính trị của khu vực hiện nay, với những khó khăn, thách thức mà Việt Nam đang phải đối diện, chúng ta cần vận dụng bài học nào từ lịch sử?
Nằm ở phía đông của bán đảo Đông Dương, Việt Nam là đất nước thuộc miền khí hậu nhiệt đới gió mùa, thuận lợi cũng lắm mà khắc nghiệt, tai ương cũng nhiều. Thử thách nghiệt ngã đe dọa sự tồn vong của giống nòi, dân tộc do thiên tai, do nạn xâm lăng thường trực của các thế lực từ bên ngoài… đã hình thành tư thế chung của người Việt Nam trong lịch sử là phải sớm cố kết lại và phải luôn luôn tăng cường sự cố kết để có đủ sức mạnh đương đầu, chống trả với thiên nhiên và giặc dã.
Tính cố kết cộng đồng đó của dân tộc Việt Nam tỏa bóng xuống cả tôn giáo, tín ngưỡng - một lĩnh vực rất hay bị chia rẽ và thường bị những kẻ thù của dân tộc lợi dụng. Nói cách khác, truyền thống cố kết dân tộc là nhân tố chi phối mọi mối quan hệ trên tất thảy mọi chiều cạnh xã hội Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử. Không có một dân tộc nào lại có nhiều thứ đạo cùng tồn tại trong một gia đình, một làng, một xã mà tình cảm làng xóm, láng giềng, anh em họ mạc vẫn thắm thiết, đậm đà như ở Việt Nam, tôn giáo, tín ngưỡng là đoàn kết, kính chúa yêu nước, tốt đời đẹp đạo.
Cố kết dân tộc, đoàn kết nhân dân, như đã nói ở trên, là một trong số những nhân tố thường xuyên quyết định sự trường tồn vững mạnh của dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam. Sự cố kết đó trở nên bền chặt thành ý thức cộng đồng, ý thức dân tộc - đấy chính là lõi cốt của lòng yêu nước, của văn hoá Việt Nam - điều kiện quan trọng bậc nhất để Việt Nam có đủ bản lĩnh, sức sống  và sức mạnh vượt qua bao thử thách nghiệt ngã, là cội nguồn, cốt lõi làm nên chiến thắng từ lịch sử đến hiện tại. Đó không đơn thuần là bài học, đó là nguyên lý, là giá trị văn hóa bất biến, là hồn cốt dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!