Thứ Hai, 18 tháng 5, 2015

VỀ CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU: LỊCH SỬ KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (1954-1975)

PGS.TS. Hồ Khang
Với những đóng góp mới về mặt tư liệu cũng như cách tiếp cận, sau hơn 20 năm nghiên cứu, công trình “Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước” của nhóm tác giả của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam vừa được tặng giải Vàng ở hạng mục Sách hay tại Giải thưởng sách Việt Nam 2014. Bộ sách là một công trình khoa học, mô tả một cách khách quan về cuộc kháng chiến 21 năm; đồng thời, rút ra một số bài học kinh nghiệm tiêu biểu trong lãnh đạo và tiến hành kháng chiến. Nhân dịp này, phóng viên Đài TNVN phỏng vấn PGS. TS, Đại tá Hồ Khang, Viện phó Viện Lịch sử quân sự Việt Nam về quá trình thực hiện cũng như những nét mới của công trình này.


PV: Thưa PGS. TS Hồ Khang, trước đây chúng ta đã có nhiều đề tài nghiên cứu về giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Ông có thể cho biết nét riêng của công trình nghiên cứu “Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước” này?
Nét riêng của công trình này là được thực hiện bởi tập thể tác giả có uy tín của quân đội, những chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu lịch sử. Tập thể tác giả được  tiếp cận với nguồn tài liệu mật của kho trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng và các trung tâm lưu trữ khác nên đã có cơ sở nhìn nhận, đánh giá khách quan về nhiều sự kiện, nhiều vấn đề của cuộc kháng chiến. Chúng tôi đã cố gắng cập nhật những quan điểm nghiên cứu mới, những phương pháp nghiên cứu mới, những nguồn tư liệu mà theo thời gian đã dần được phát lộ.
Tóm lại, đây là  lần đầu tiên ở Việt Nam có một công trình quy mô lớn cả về nguồn tư liệu, phương pháp, được đánh giá đã bước đầu đáp ứng được ở một mức độ  nhất định yêu cầu  của bạn đọc trong nước,  ngoài nước.
PV: Như ông nói là "bước đầu", phải chăng mới chỉ dừng lại ở  việc nghiên cứu tổng thể về cuộc kháng chiến chống Mỹ?
Đúng vậy. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài 21 năm, do đó nó chứa đựng rất nhiều vấn đề không chỉ về chính  bản thân nó, mà còn liên quan đến nhiều vấn đề khác. Như thế, cùng với thời gian thì quan điểm, nhìn nhận cũng như mong ước của người tìm hiểu lịch sử cũng có những đòi hỏi mới. Lịch sử là sự đối thoại không bao giờ dứt giữa hiện tại và quá khứ. Hiện tại thì không ngừng vận động, do đó lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước dẫu đã trôi qua 40 năm, nhưng nó vẫn tiếp tục được tìm hiểu, nghiên cứu để đáp ứng được nhu cầu  của hiện tại và tương lai.
PV: Trong quá trình nghiên cứu 20 năm, theo ông, chúng ta đã có những phát hiện mới gì?
Qua nghiên cứu cuộc kháng chiến chống Mỹ chúng ta thấy được nhân tố làm nên thắng lợi, đồng thời cũng có những ưu tư, ví dụ như sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó cũng có những hệ lụy nhất định. Sau khi kết thúc chiến tranh, theo thời gian thì những ý đồ trong sự giúp đỡ đó dần phát lộ ra, nếu chúng ta không xử lý tốt thì rất khó trong hiện tại hôm nay.
PV: Ý ông nói nó ảnh hưởng đến vấn đề quan hệ quốc tế?
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là cuộc đối đầu giữa một nước nhỏ với một nước lớn. Hơn nữa, cuộc kháng chiến có phạm vi ảnh hưởng mang tính khu vực và toàn cầu. Vì thế, những yếu tố nước lớn luôn hiện diện,chi phối, móc nối vào nhau trong toàn bộ cuộc kháng chiến và để lại hệ quả, tác động lâu dài về sau. Nếu không cẩn trọng thì mặc dù giành thắng lợi, chúng ta rất có thể phải trả giá cho thắng lợi đó trong tương lai.
PV: Điều đó có nghĩa là công trình này ngoài việc cung cấp tư liệu còn cho chúng ta những kinh nghiệm thực tế, cụ thể để ứng phó với tình hình hiện nay?
Không phải quá rõ rệt như thế mà nó cung cấp những tư liệu về quan hệ quốc tế. Nó cũng để cho người đọc ngẫm lại và tìm câu trả lời cho chính mình
PV: Được biết công trình này mới chỉ là bước đầu. Vậy trong thời gian tới ông và nhóm nghiên cứu dự kiến sẽ có những hướng nghiên cứu nào khác?
Công trình hay nhất vẫn là công trình trong dự định. Khi làm 9 tập sách này tập thể tác giả cũng tạm thời đã bằng lòng. Thế nhưng bên cạnh đó cũng có những ưu tư nhất định: Những tập ra đời sớm quan điểm còn bó hẹp, nhiều lúc trong cách tiếp cận, trong quan điểm nghiên cứu vẫn mang nặng vư duy chiến tranh Lạnh. Bây giờ nhìn lại, chúng tôi thấy cần phải nhìn nhận khách quan hơn nữa. Đối thủ của chúng ta không phải lúc nào cũng sai lầm. Họ rất khôn ngoan và cũng rất bản lĩnh. Việc thắng-thua cũng do nhiều nhân tố quyết định chứ không hẳn là họ thiếu thông minh, thiếu quyết đoán.
PV: Những điều ông nói là trên tinh thần “hòa giải dân tộc”?
Cuộc chiến này để lại nhiều hệ lụy, như chất độc da cam, sự tàn phá về thiên nhiên… nhưng tôi nghĩ rằng hệ lụy lớn nhất, đau xót nhất là lòng người chưa hợp về một mối, nên cứ mỗi lần kỉ niệm chiến thắng 30-04 thì  không tránh khỏi những tâm sự, tâm thế về tháng Tư đen, về ngày quốc hận, người thắng cuộc và người thua cuộc... Truyền thống của dân tộc ta không như thế, nhất là về lâu dài là càng không được phép như thế. Điều đó làm cho dân tộc ta yếu đi, trong khi đó thách thức bên ngoài và bên trong ngày càng lớn thì khối đại đoàn kết dân tộc phải ngày càng được củng cố, tăng cường. Hòa hợp, hòa giải dân tộc thực sự, chân thành là cần thiết!
PV: Xin cảm ơn PGS. TS Hồ Khang!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!