Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014

45 NĂM SỰ KIỆN TẾT MẬU THÂN: CÒN MÃI VỚI LỊCH SỬ



PGS,TS.Hồ Khang
Đã 45 năm trôi qua (1968-2013), kể từ khi nổ ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, nhưng thời gian không hề làm cho sự kiện lịch sử trọng đại này bị lãng quên, nó vẫn luôn sống động trong ký ức mỗi người dân Việt Nam. Không những vậy, nó còn là mảng đề tài lôi cuốn giới chính trị, quân sự, sử học, báo chí...
Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc gặp gỡ, phỏng vấn người đã thực hiện và bảo vệ thành công xuất sắc luận án Phó tiến sỹ khoa học lịch sử "Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tại miền Nam Việt Nam" - Đại tá, Phó giáo sư, tiến sỹ Hồ Khang (Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam).

Bước ngoặt quyết định
PV: Thưa Đại tá, Phó giáo sư, tiến sỹ Hồ Khang, như giáo sư sử học Gabriel Kolko từng nhận định trong tác phẩm “Giải phẫu một cuộc chiến tranh” thì sự kiện lịch sử Tết Mậu Thân là sự kiện trọng đại nhất và phức tạp nhất của cuộc chiến giữa Mỹ và nhân dân Việt Nam, đề nghị ông có giải đáp về nhận định đó?
PGS,TS. Hồ Khang: Đúng vậy, nhiều cuộc hội thảo khoa học, nhiều cuốn sách, bài báo và công trình biên khảo,... vẫn đang muốn đi sâu hơn vào sự kiện lịch sử này nhằm tìm hiểu, đánh giá về vị trí, vai trò của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, tại sao nó xảy ra, xảy ra như thế nào, và vì sao nó đã gây chấn động mạnh ngay giữa lòng nước Mỹ.
Dù vậy, từ nghiên cứu cá nhân tôi, tôi thấy rằng, sự kiện Tết 1968 có thể coi là “bước ngoặt quyết định” của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làm thay đổi hoàn toàn tương quan chính trị-quân sự trên chiến trường miền Nam, đẩy Mỹ vào tình thế không thể khác được và đặt ra những xu hướng không thể thay đổi của cuộc chiến. Một sự kiện lịch sử có tính bước ngoặt như thế luôn phức tạp và đầy tranh cãi.
Quả thật, độ lùi thời gian cùng tư liệu từ nhiều nguồn mới xuất hiện, mới được công bố đã giúp cho chúng ta hôm nay có thêm cơ sở để nhìn nhận, phân tích, lý giải, đánh giá và làm sáng tỏ hơn, đầy đủ hơn, đúng đắn hơn và do đó có sức thuyết phục hơn về cuộc Tổng tiến công bất ngờ, táo bạo này.
PV:  Sau "Tết Mậu Thân," đã có nhiều cuộc thảo luận trong giới quân sự, đánh giá khá gay gắt về sự thành hay bại, được hay chưa được của sự kiện này. Xin ông đưa ra những đánh giá đã được thừa nhận và đồng tình nhất?
PGS,TS. Hồ Khang: Chủ trương lớn mà Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 13 (tháng 1 năm 1967) đề ra là: Đã đến lúc, trên cơ sở những thắng lợi của ta và thất bại của địch, chúng ta có thể và cần phải chủ động bước vào một giai đoạn mới của cuộc chiến vừa đánh vừa đàm.
Nghiên cứu kỹ một số bài nói, bài viết của các lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội lúc bấy giờ, chúng tôi đã nhận ra ở đây những tư tưởng chủ đạo mà nổi bật là "Ta biết thắng Mỹ vừa với sức ta”.
Cần phải khẳng định rằng, bằng đòn tiến công Tết Mậu Thân 1968, quân và dân trên chiến trường miền Nam ngày đó đã đưa chiến tranh vào sâu trong hậu phương, hậu cứ đối phương; tiêu diệt và tiêu hao nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh.
Thực tế, tiến công đã làm đảo lộn thế trận chiến lược của địch trên khắp chiến trường; ghìm chặt một đội quân đông hơn 1 triệu 30 vạn người  được "trang bị tới tận răng" vào mặt trận đô thị; tạo điều kiện và thời cơ cho quân và dân miền Nam đẩy mạnh tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, giải phóng nhiều vùng nông thôn rộng lớn.
Nỗi kinh hoàng của giới lãnh đạo Mỹ trước đòn tấn công Tết Mậu Thân cả trên chiến trường và ở ngay giữa lòng nước Mỹ. Đòn Tết Mậu Thân chẳng những ngay từ đầu đã giành được yếu tố bất ngờ, đánh mạnh vào những nỗ lực chiến tranh của Mỹ mà còn quan trọng là ở chỗ chỉ sau khi bị thất bại về quân sự trên chiến trường, Mỹ mới buộc phải chuyển giao gánh nặng chiến tranh lên vai chính quyền Sài Gòn.
Kết quả là Mỹ buộc phải đơn phương ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam. Nhân tố có ý nghĩa quyết định nằm sâu trong ý đồ chiến lược của chúng ta: bằng mọi giá phải kéo Mỹ xuống thang, buộc chúng ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Paris.
Thế trận của lòng dân
PV:  Thưa đại tá, để tiến công vào hệ thống dinh luỹ của đối phương, chúng ta phải giải quyết một loạt vấn đề thuộc về nghệ thuật tiến công, nghệ thuật bày binh, bố trận. Nhưng điều thành công nổi bật là gì?
PGS,TS. Hồ Khang: Đó là thành công của sự đồng lòng nhất trí. Từ những địa phương, đơn vị vũ trang, những tổ đội biệt động, những chiến sĩ bình thường tới những người dân một lòng trung trinh bằng trí thông minh, lòng quả cảm. Dân tộc Việt Nam với khát vọng cháy bỏng mong ngày hoà bình sớm đến trên quê hương điêu tàn vì bom đạn địch đã biến điều tưởng như không thể trở thành có thể.
Khi ấy, miền Bắc dồn sức chi viện sức người, sức của cho chiến trường. Tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn nhanh chóng mở rộng, tăng sức vận chuyển. Miền Nam khẩn trương chuẩn bị thế trận và lực lượng, hình thành các phương án công kích về quân sự và nổi dậy của quần chúng.
Có thể nói, đến trước ngày cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân nổ ra, phía Mỹ vẫn hoàn toàn lạc hướng trong việc phán đoán ý đồ thực sự và hướng tiến công chiến lược của VNDCCH. Ngay cả các sĩ quan tình báo trong Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ sau này cũng đã phải thừa nhận rằng, nếu như lúc đó, họ nắm được toàn bộ kế hoạch của cuộc Tổng tiến công đi nữa, thì họ cũng sẽ "không thể nào tin được" bởi quả thật, họ không sao hiểu nổi "bản chất" của hành động này.
Hoạt động tiến công và nổi dậy diễn ra mạnh mẽ, đồng loạt, rộng khắp của quân và dân trên chiến trường dịp Xuân Mậu Thân 1968. Trong khi đó, đối phương ứng phó lúng túng, bị động thoạt đầu và sự phản kích điên cuồng sau đó trên mặt trận đô thị, vùng ven, vùng nông thôn đồng bằng...
 Nổi bật trong mùa Xuân 1968 là sự đồng thuận, giúp đỡ, ủng hộ, ôm bọc, chở che, là tấm lòng kiên trung với cách mạng của người dân đô thị, vùng ven, vùng tạm chiếm, vùng tranh chấp giành cho những người lính Quân giải phóng. Bên cạnh đó là sự tham gia tích cực bằng nhiều hình thức như tải đạn, tiếp lương, dẫn đường, che giấu bộ đội, cứu chữa thương binh, truy lùng ác ôn, tề điệp của người dân sống trong vùng Mỹ và chính quyền Sài Gòn kiểm soát.
Việc nhiều sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn rời căn cứ, qua bao xóm làng, đồng ruộng, sông suối để ém sát các vùng ven đô, các mục tiêu trong nội đô mà không một người dân nào báo cho chính quyền Sài Gòn biết chẳng những đảm bảo cho sự bất ngờ của đòn tiến công mà còn là một nhân tố khiến giới lãnh đạo nước Mỹ ngày đó nản lòng. Qua thực tế này, họ nhận thấy "dân chúng miền Nam ủng hộ kẻ thù của Mỹ và chính quyền Sài Gòn".
Quả thật, nếu không có nhân dân, không có thế trận lòng dân như thế, thì không thể tiến công theo kiểu Tết Mậu Thân 1968; không thể tạo ra và nhân lên tác động rộng lớn cùng những âm hưởng của cuộc tiến công này ở ngay giữa lòng nước Mỹ bên kia Thái Bình Dương.
Kỷ niệm 45 năm sự kiện lịch sử Tết Mậu Thân, một lần nữa có thể khẳng định sự kiện lịch sử trọng đại này đã thể hiện bản lĩnh và trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Việt Nam có đầy đủ lý luận và thực tiễn để phản bác những luận điểm phủ nhận giá trị, ý nghĩa của sự kiện lịch sử này.
PV:  Xin cảm ơn Đại tá.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XIN CHÀO! NẾU CÓ NHẬN XÉT, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI LUÔN CÁM ƠN VÌ NHỮNG GÓP Ý CHÂN THÀNH!